Vụ áN Hồ DUY HảI: Vì SAO Cơ QUAN đIềU TRA KHôNG GIáM địNH THờI GIAN CHếT CủA NạN NHâN?

Thời gian chết của nạn nhân là một yếu tố quan trọng để xác định hung thủ. Tuy nhiên, trong vụ án Bưu điện Cầu Voi liên quan đến tử tù Hồ Duy Hải, yếu tố này đã bị bỏ qua.

Hôm 20 tháng 3, trên báo điện tử Vietnamnet có bài báo chia sẻ câu chuyện làm nghề giám định pháp y của Tiến sĩ Đỗ Lập Hiếu, Phó giám đốc Trung tâm Giám định pháp y, Viện Khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công an.

Bài báo nhan đề “Vụ sát hại 4 bà cháu 8 năm trước: Lần ra manh mối thủ phạm từ dạ dày nạn nhân” đã dẫn lại câu chuyện kể của một chuyên gia pháp y có những nội dung khiến tôi liên tưởng tới các tình tiết trong vụ án Hồ Duy Hải.

Thời gian chết

Tiến sĩ Đỗ Lập Hiếu kể rằng, năm 2016 ở tỉnh Quảng Ninh xảy ra vụ án có bốn bà cháu bị sát hại trong đêm trong hoàn cảnh không có nhân chứng.

Khi chứng kiến hiện trường vụ việc, một lãnh đạo cơ quan điều tra cho rằng phải có hai thủ phạm trở lên mới gây án được. Trong khi đó, ông Hiếu cho rằng chỉ một thủ phạm cũng có thể gây án nhưng sát hại các nạn nhân ở vào hai thời điểm khác nhau.

Dựa vào phân tích mức độ tiêu hóa thức ăn trong dạ dày của nạn nhân, nhóm của ông đã chỉ ra cho thấy các nạn nhân chết cách nhau 2, 3 tiếng đồng hồ.

Đến khi bắt được thủ phạm thì thủ phạm đã khai nhận việc gây án chỉ có một mình, đúng như nhận định của pháp y.

Lâu nay, việc giám định thời gian chết của nạn nhân đã trở thành hoạt động nghiệp vụ căn bản được thực hiện thường xuyên trong những vụ giết người không có nhân chứng.

Bởi vì kết quả giám định pháp y có vai trò giúp xác định phương hướng điều tra và truy bắt thủ phạm.

Dù chỉ là người dân bình thường ngoài xã hội, mọi người có thể hình dung là khi đứng trước một hiện trường có người bị sát hại không ai hay biết, một trong những câu hỏi đầu tiên xuất hiện trong đầu của mọi người đó là nạn nhân bị sát hại vào lúc nào.

Đối với cán bộ tư pháp thì đây là một câu hỏi quan trọng cần giải đáp để, cùng với các câu hỏi khác, xác định về động cơ, mục đích gây án, về hung khí gây án, từ đó giúp khoanh vùng nghi phạm và trả lời câu hỏi cuối cùng thủ phạm là ai.

Một điều khó hiểu trong vụ án Bưu điện Cầu Voi, cơ quan điều tra lại không tiến hành giám định pháp y để xác định thời gian chết, làm ảnh hưởng tới việc xác định bằng chứng ngoại phạm của những người và nghi phạm có liên quan.

Văn bản quyết định kháng nghị giám đốc thẩm năm 2019 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ ra nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra vụ án, trong đó có việc không tiến hành giám định thời gian chết của nạn nhân, mặc dù khi khám nghiệm tử thi bộ phận pháp y đã ghi nhận “dạ dày có chứa thức ăn đã nhuyễn, lượng ít”.

Quyết định giám đốc thẩm năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng đã thừa nhận việc này, không cho biết lý do vì sao cơ quan điều tra không thực hiện hoạt động căn bản này nhưng cho rằng thiếu sót đó không làm thay đổi bản chất của vụ án.

Khi nghiên cứu tài liệu kêu oan cho Hồ Duy Hải, bản thân tôi đã có kinh nghiệm cho nên thấy rất nuối tiếc và băn khoăn về vấn đề này.

Bởi lẽ khi kêu oan cho tử tù Hàn Đức Long trong vụ án giết người và hiếp dâm trẻ em trước đây, tôi cũng đã dựa vào kết quả giám định pháp y xác định thời gian chết của cháu bé 5 tuổi, bị giết vứt xác ngoài mương nước cánh đồng, để làm căn cứ chỉ ra những mâu thuẫn phi lý trong kết quả điều tra quy kết ông Hàn Đức Long là thủ phạm.

Việc viện dẫn kết quả giám định thời gian chết của cháu bé là một trong nhiều luận chứng tôi đưa ra mà cuối cùng đã giúp ông Hàn Đức Long được minh oan.

Trong nhiều vụ án, kết quả giám định pháp y là bằng chứng khoa học khách quan sẽ giúp đánh giá, xác định một người có hay không có bằng chứng ngoại phạm.

Về hung khí gây án

Cũng trong câu chuyện chia sẻ qua bài báo, Tiến sĩ Đỗ Lập Hiếu cho biết về việc xác định hung khí gây án trong vụ án bốn bà cháu bị hại trong đêm.

Cơ quan điều tra đã khám xét nhà của một nghi phạm và đưa về nhiều con dao để cho cán bộ pháp y xác định xem đâu là hung khí phù hợp với những vết thương gây ra trên cơ thể nạn nhân.

Qua giám định pháp y đã xác định một con dao đưa về đúng là hung khí gây án, mặc dù đã được thủ phạm rửa sạch nhưng vẫn còn lưu lại những dấu vết máu và khi giám định thì đã phát hiện ra được còn dính máu của nạn nhân.

Điều này khiến tôi liên tưởng tới vụ án Bưu điện Cầu Voi, khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra cũng phát hiện ra được một con dao.

Hồ sơ vụ án cho biết khi thấy con dao này sạch sẽ không có vết máu, người ta nghĩ rằng nó không có liên quan cho nên đem đi tiêu hủy.

Đó là nhận thức hết sức ngô nghê, không có gì phù hợp với con mắt chuyên môn của những người làm giám định pháp y.

Theo lời khai của một cô gái làm cùng Bưu điện Cầu Voi với hai nạn nhân thì ở nhà bếp bình thường có hai con dao làm bếp, chiều dài 15cm và 30cm, loại dao dùng để cắt, thái.

Xem tài liệu trong vụ án, tôi không thấy có bất cứ thông tin nào về việc cơ quan điều tra thu thập tìm kiếm hai con dao làm bếp của bưu điện.

Trong khi rõ ràng nạn nhân đã bị sát hại bằng vật sắc cắt cứa ở cổ, một người bình thường cũng có thể nghĩ ra đó là do dao cắt và bởi vậy phải truy tìm hung khí.

Nhưng không hiểu sao những người có chuyên môn nghiệp vụ khi thấy thương tích nạn nhân như thế thì không tìm thấy con dao nào khác, rồi khi thấy một con dao ở hiện trường lại có thể sơ suất đem đi tiêu hủy được.

Hoạt động khám nghiệm hiện trường và giám định pháp y là những công việc có đặc thù rất chuyên biệt, những người có chuyên môn sẽ nhìn ra sự quan trọng ở những yếu tố có ý nghĩa với vụ án.

Bởi vậy sau khi xem bài báo chia sẻ kinh nghiệm, chuyện nghề từ chính cán bộ pháp y thì thấy những việc như không giám định thời gian chết của nạn nhân, tiêu hủy con dao thu được ở hiện trường rất khó chấp nhận. Nhưng những điều ấy đã xảy ra trong vụ án Bưu điện Cầu Voi.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-03-29T01:53:53Z dg43tfdfdgfd