CựU BINH Mỹ độI KHăN TANG TRắNG TIễN BIệT Mẹ DOãN NGọC TRâM

Trong số những người đội khăn trắng tiễn đưa bà Doãn Ngọc Trâm - mẹ của anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, sáng 20-4 tại Nhà tang lễ Quốc gia (Hà Nội) có một người Mỹ đặc biệt.

Đó là ông Ted Engelmann - một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, người mà gần 20 năm trước đã đến Việt Nam tìm kiếm, để chuyển nội dung cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm từ Mỹ về với gia đình.

Mối thâm tình 20 năm với mẹ Doãn Ngọc Trâm

Đại tá, nhà báo Đặng Vương Hưng cũng có mặt tại lễ tang bà Doãn Ngọc Trâm từ sớm, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng lễ tang ai cũng xúc động vì tình yêu thương, tôn kính với người mẹ vĩ đại Doãn Ngọc Trâm.

Nhưng mọi người còn cảm động bởi hình ảnh một người đàn ông Mỹ cao gầy, tóc điểm bạc, gương mặt in hằn nỗi đau buồn, mặc áo tang đen, đội khăn trắng, lặng lẽ đứng trong hàng gia đình, con cháu suốt buổi lễ tang.

Ông Ted Engelmann còn cùng con cháu bà Doãn Ngọc Trâm đưa bà về tận nơi an nghỉ cuối cùng.

Ông Đặng Vương Hưng cho biết ông Ted Engelmann mới kịp xuống sân bay Nội Bài đêm qua (19-4), để sáng sớm nay dự lễ tang bà Doãn Ngọc Trâm.

Ngoài mối thâm tình với bà Doãn Ngọc Trâm nhờ cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm, ông còn được biết đến là một nhà sử học, một nhiếp ảnh gia người Mỹ có nhiều duyên nợ và rất yêu mến Việt Nam.

Tang lễ bà Doãn Ngọc Trâm còn chứng kiến nhiều tình cảm của nhiều đoàn thể, cá nhân. Tỉnh Quảng Ngãi - nơi liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh - có tới mấy đoàn vượt đường sá xa xôi đến tiễn đưa người mẹ Việt Nam bình dị mà vĩ đại đã sinh ra người còn gái bất tử cho đất nước Việt.

Người mẹ bình thường mà vĩ đại

Phút giây bài điếu văn xúc động về cuộc đời bà Doãn Ngọc Trâm vang lên khiến ai ai cũng nghẹn ngào.

Nhiều người đã biết về phẩm cách đặc biệt của người mẹ Việt Nam này qua những việc bà đồng hành cùng cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhưng nay mới được rõ hơn về người phụ nữ này.

Nghe về cuộc đời bà, dễ dàng hiểu từ đâu đất nước mình có một người con gái anh hùng đã trở thành biểu tượng của lòng yêu đất nước, yêu hòa bình như liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Bà Doãn Ngọc Trâm sinh năm 1925 trong một gia đình khá giả gốc Quảng Nam, lớn lên cùng gia đình ở Thanh Hóa.

Tuổi nhỏ bà được đi học ở trường tư thục, chuyên cho các học sinh người Pháp hoặc con cái tầng lớp trên ở Thanh Hóa, do các bà soeur người nước ngoài giảng dạy. Bà Trâm học rất giỏi, đỗ đầu kỳ thi Premier của tỉnh Thanh Hóa năm đó. Cho nên tiếng Pháp bà rất giỏi.

Đầu năm 1942, bà kết hôn với ông Đặng Ngọc Khuê, cuối năm đó bà sinh con gái đầu lòng Đặng Thùy Trâm. 

Hai ông bà có năm người con, bốn gái một trai. Cả bốn cô con gái đều được đặt theo tên bà, còn người con trai được đặt tên là Hồng Quang.

  • Trao tặng tủ sách Đặng Thùy Trâm cho các trường học, bệnh viện

  • Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thăm mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm

  • Xem hồ sơ, kỷ vật ‘đi B’ của Phan Huỳnh Điểu, Lê Anh Xuân, Đặng Thùy Trâm

Cùng những đổi thay to lớn của đất nước, bà Trâm từ một cô tiểu thư nhanh chóng thích ứng với cuộc sống kháng chiến, trở thành một phụ nữ đảm đang việc nhà đồng thời tham gia công tác kháng chiến. 

Bà là một trong những cô giáo hiếm hoi dạy môn tiếng Pháp ở trường Thiếu sinh quân Liên khu 4, rồi làm việc ở bệnh viện Thanh Hóa.

Sau đó bà theo học Trung cấp Dược rồi Đại học Dược và được giữ lại trường giảng dạy. 

Một điều đặc biệt, bà đã lấy bằng tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội năm 1966, cùng năm con gái Đặng Thùy Trâm tốt nghiệp Đại học Y.

Đến năm 1983 thì bà sang Algeria làm chuyên gia cho đến khi về hưu.

Người mẹ, người vợ can trường ấy không chỉ chăm chồng ốm liệt hơn 20 năm mà còn đứt ruột hai lần khóc con.

Năm 1970, tin Đặng Thùy Trâm hy sinh khiến bà như hóa đá. Hơn chục năm sau bà lại chết lặng với cái chết đột ngột của người con trai duy nhất, vô cùng tài hoa, đang du học ở Liên Xô.

Ai có thể ngờ người mẹ hai lần mất con ấy lại có thể đứng lên mạnh mẽ, đầy yêu thương khi người con gái đã hy sinh của bà về bên gia đình một lần nữa qua hai cuốn nhật ký chiến trường vào năm 2005.

Kể từ đó, bà cùng người con gái đã khuất trở thành "nhịp cầu nối qua dòng sông cay đắng" góp phần làm cho những người vốn ở hai phía xích lại bên nhau như lời người cựu binh Mỹ Whiterhust đã viết trong thư gửi cho bà.

Hai mẹ con, hai người phụ nữ Việt kiên gan và nhân ái đã khiến hàng triệu người trên thế giới có cái nhìn mới, đầy trân trọng về tâm hồn, giá trị con người Việt Nam.

Hai người phụ nữ ấy dường như chỉ dành cả cuộc đời mình để cho đi, cho đi yêu thương, cho đi lòng dũng cảm, để hóa giải mọi hận thù, khổ đau.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-20T08:37:24Z dg43tfdfdgfd