TắM CHO Bố Mẹ TRONG TếT CHôL CHNăM THMâY

Anh Bảo, 37 tuổi, xối nước lên tóc mẹ rồi quỳ xuống lấy khăn lau chân bà trong lúc em gái nói lời cảm ơn công sinh thành, trưa 16/4.

Bà Điền Thị Cải, 68 tuổi, ngồi trên chiếc ghế gỗ đặt trước nhà ở đường Bùi Thế Mỹ, phường 10, quận Tân Bình, lần lượt gửi lời chúc sức khỏe, bình an và phát đạt đến với các con.

Phong tục tắm cho bố mẹ diễn ra trong ngày thứ ba của Tết Chôl Chnăm Thmây được gia đình của bà Cải duy trì qua nhiều thế hệ. Sư Kim Quy, đại diện chùa Pothiwong, cho biết đây là phong tục nhân văn nhất trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer nhằm bày tỏ sự hiếu thuận và lòng thành kính với bố mẹ, ông bà.

Chôl Chnăm Thmây theo tiếng Khmer nghĩa là "vào năm mới", ngày Tết diễn ra trong thời điểm trời đất giao hòa, cỏ cây tươi tốt và tràn đầy sức sống. Năm nay, Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra từ ngày 13 đến 16/3.

Gia đình bà Cải quê Sóc Trăng đến sống cùng cộng đồng người Khmer ở quận Tân Bình, TP HCM đã 37 năm. Chồng bà Cải mất 15 năm trước, gia đình hiện có 14 thành viên cùng chung sống. Trừ những người đi làm không thể về, họ luôn cố gắng tề tựu đông đủ để thực hiện lễ tắm cho mẹ.

Sáng 16/4, họ cùng đến chùa Pothiwong, cách nhà 200 m để làm lễ tắm Phật. Ở nhà, con dâu bà Cải pha sẵn thau nước tắm, rải thêm ít cánh hoa cúc, rưới nước hoa.

Khoảng 14h, bà Cải từ chùa về nhà để các con thực hiện nghi thức. Con, cháu múc từng gàu nước tưới lên tóc, cổ và thân mình mẹ. Họ nói lời xin lỗi về những lần làm bà phật ý, buồn rầu trong năm qua và chúc bà được nhiều sức khỏe.

"Những lần mẹ càm ràm tôi có cãi lại làm bà buồn nhưng ngại mở lời xin lỗi", anh Bảo, con trai thứ năm của bà Cải nói. "Đây dịp để bày tỏ và mong mẹ bỏ qua mọi lỗi lầm".

Cộng đồng người Khmer ở TP HCM có hơn 42.000 người, sống tập trung gần chùa Candaraṅsi (quận 3) và chùa Pothiwong (quận Tân Bình). Họ đa số là người quê Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang.

Trong ngày Tết cuối cùng, người Khmer ở khu vực đường Bùi Thế Mỹ, quận Tân Bình thường đặt ghế trước sân nhà tắm cho bố mẹ. Ngoài ra, họ cũng tham gia lễ hội té nước, đi lễ chùa và thực hiện các mâm cúng truyền thống.

Cách nhà bà Cải 300 m, bà Thị Xuyên nói mình chảy nước mắt lúc được con cái tắm cho. Người phụ nữ 77 tuổi có 5 người con đều đã lập gia đình. Họ thuê hai căn trọ sống cạnh nhà bà nhưng do không được nghỉ làm, nên chỉ vài người con, cháu sang chúc.

Bà Xuyên kể phong tục được bà tiếp nhận từ ông bà, bố mẹ ở quê Kiên Giang. Thời đó, bà thường mời ông bà, bố mẹ ngồi trên ghế cao để mình quỳ gối, chắp tay và cúi đầu mong cha mẹ bỏ qua những thiếu sót, hứa không tái phạm nữa. Một số gia đình còn dâng bánh trái, quà tặng đấng sinh thành.

Tuy nhiên, ở TP HCM, mọi thứ được giản lược đi nhiều, con cháu chỉ cần đứng xung quanh tắm mẹ và gửi lời chúc.

Ông Nhiêm, 56 tuổi, nói đã 10 năm nay không được thực hiện tục tắm cho bố mẹ bởi họ đều đã qua đời. Trước đó, ông thường mua quần áo mới dành tặng bố mẹ, ông bà nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây. Họ được tắm ướt và thay trang phục truyền thống sau đó.

"Bất kỳ người con nào cũng từng đôi lần làm cha mẹ mình buồn", ông Nhiêm nói. Ngày xưa ông cũng từng không nghe lời mẹ, bỏ ngoài tai những câu chuyện bà nói nhiều lần. Tuy nhiên, dịp Tết Chôl Chnăm Thmây nào ông cũng ở nhà để xin lỗi mẹ và cầu chúc sức khỏe cho bà.

Trưa 16/4, ông Nhiêm đến chùa để làm lễ cầu siêu cho những linh hồn người thân. Ông vẩy nước thơm lên tượng Phật và người các vị sư như từng thực hiện với mẹ mình.

"Chúng tôi giữ đạo Hiếu kể cả khi ba mẹ đã qua đời", ông nói.

Ngọc Ngân

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-16T23:11:35Z dg43tfdfdgfd