TRANH CãI CHUYệN DáN NHãN PHâN LOạI độ TUổI DàNH CHO SáCH

Những tranh luận về cuốn sách “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” của Ocean Vuong ít nhiều ảnh hưởng đến giá trị của một tác phẩm được cấp phép xuất bản.

Tranh cãi về sự phù hợp

Câu chuyện cuốn sách “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” có những chi tiết nhạy cảm đến tay học sinh lớp 11 đặt ra vấn đề kiểm duyệt sách ở nhà trường và phân loại độ tuổi sách nói chung. Bởi lẽ, sách dù có nằm trong danh mục đọc tham khảo do Chương trình Tú tài Quốc tế (IB) giới thiệu cũng chưa chắc đã phù hợp với học sinh Việt Nam.

Khi giới chuyên môn vào cuộc bình luận, nhiều phụ huynh ủng hộ sách của Ocean Vuong, họ cho rằng, văn hóa phẩm đồi trụy hay truyện khiêu dâm không thể chỉ dựa vào vài trang miêu tả cảnh “giường chiếu”, mà phải đặt trong bối cảnh chung của tác phẩm. Dù vậy, cuốn sách này có giá trị với độ tuổi nào thì cần thẩm định lại.

Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cho rằng, đều là câu chữ, nhưng mỗi nhà văn có cách diễn đạt khác nhau về các yếu tố 18+. Có người diễn tả nhẹ nhàng, ý nhị, mềm mại, nhưng cũng có người sử dụng ngôn từ mạnh mẽ, bạo lực để diễn tả cảnh “giường chiếu”. Dù vậy, không thể nói chỉ cần có chi tiết, yếu tố tình dục thì là 18+, đối với cả sách, phim và các tác phẩm nghệ thuật khác. Giờ đây, phụ huynh cũng cần trang bị những kiến thức về giới, về tâm sinh lý để có thể giải đáp cho con, thay vì sốc vì con còn quá non nớt.

Nhà văn Y Ban cũng khẳng định, không có cuốn sách nào có thể làm hư được một đứa trẻ, không phải vì phụ huynh thấy “khiêu dâm”, “đồi trụy” thì con cái cũng cảm thấy như vậy.

Đảm bảo sách đến tay đúng đối tượng

Giả sử, nếu “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” được dán nhãn dành cho độ tuổi 16+, thì người phụ huynh chỉ trích cuốn sách đã sai. Nhưng nếu sách giới hạn độ tuổi là 18+ thì phụ huynh đó lại đúng, vì con họ mới 17 tuổi.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - cho biết, tại Việt Nam đã có quy định sách cho trẻ em cần được dán nhãn phân loại độ tuổi, còn các loại sách khác chưa có cơ chế này. Các nhà xuất bản tùy thuộc vào tình hình thực tế của đơn vị để thực hiện quy định dán nhãn nếu như sách của họ phục vụ độc giả là trẻ em, thiếu niên.

Vì vậy, việc quy định giới hạn tuổi cho sách hoặc cảnh báo độc giả cân nhắc trước khi đọc chủ yếu phụ thuộc vào nhà xuất bản, trong khi mỗi đơn vị lại có quan điểm khác nhau về độ tuổi phù hợp. Nhiều độc giả cho rằng, Việt Nam cần có quy định phân loại sách 16+, 18+… như trong lĩnh vực phim ảnh để sách đáp ứng nhu cầu của nhóm độc giả phù hợp.

Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt nhận định, do thiếu sót trong quy định dán nhãn sách, việc phụ huynh và bạn đọc tranh luận về “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” đều là ý kiến chủ quan. Cuốn sách được phát hành rộng rãi, không giới hạn độ tuổi, vì vậy giáo viên có quyền giới thiệu cho học sinh đọc.

“Nhiều học sinh 16, 17 bây giờ tuổi cũng đã có hiểu biết về tâm sinh lý. Tuy nhiên, các bạn đang đi học thì nhà trường vẫn cần có giới hạn liên quan tới độ tuổi và văn hóa. Với tôi, một cuốn sách được đưa vào nhà trường cần phải được thẩm định, cần đảm bảo văn hóa, nền nếp. Còn việc học sinh rời nhà trường, về nhà và tiếp cận với những cuốn sách, với văn hóa vượt độ tuổi, đó là chuyện cá nhân của các bạn” - nhà phê bình Nguyễn Phong Việt bày tỏ quan điểm.

Thực tế, nhiều đầu sách ở Việt Nam không được dán nhãn phân loại độ tuổi. Do đó, những nhận định về phù hợp hay vượt giới hạn, ý nghĩa hay khiêu dâm, hay ho hay đồi trụy... đều là cảm tính, thuộc về quan điểm cá nhân và không thể phân định đúng sai.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-09T23:44:26Z dg43tfdfdgfd