NHà VăN Vũ THị HồNG: ĐờI VăN DàNH Cả CHO NGườI LíNH

Đi chiến trường từ thuở là sinh viên văn khoa, rồi tiếp tục là bộ đội và làm vợ nhà văn bộ đội, những trang viết của Vũ Thị Hồng thấm đẫm đời lính.

Nữ nhà văn đặc biệt này không chỉ là bóng hồng phía sau nhà văn nổi tiếng Chu Lai.

Bà chính là người biên tập cần mẫn và xuất sắc cho mọi cuốn tiểu thuyết rất ăn khách của chồng và là tác giả của những trang sách về người lính rất cảm động vì tính chân thực của một người viết nhập cuộc sâu sắc.

Ở tuổi ngoài 70, trong căn hộ chung cư nhìn xuống cây cầu Long Biên, người đàn bà viết văn ấy vừa hoàn thành cuốn truyện ký về tuổi 20 rực lửa ngoài mặt trận có tên Chạm vào ký ức.

Nhà phê bình Ngô Thảo gọi cuốn sách là một cuộc "gọi hồn" cho các đồng đội mà nữ tác giả đã chiến đấu cạnh bên trong 5 năm làm phóng viên tạp chí Văn Nghệ Quân Giải Phóng ở chiến trường Quảng Nam.

Cuốn sách còn giúp bạn đọc lý giải vì sao người đàn bà viết ấy cả đời chỉ viết một đề tài mà chồng bà gọi là "siêu đề tài": người lính.

Hoa nơi chiến hào

Viết lại chuyện của mình, của đồng đội mình một thời hoa lửa không dễ với nhà văn Vũ Thị Hồng. Vốn là một biên tập viên văn học kỳ cựu của NXB Quân Đội Nhân Dân, bà rất khắt khe với chính mình nên viết không nhiều: mấy tập truyện ngắn và hai tiểu thuyết, truyện ký.

Dù giới thiệu Chạm vào ký ức là truyện ký, Vũ Thị Hồng đòi hỏi mọi chi tiết phải thật chính xác, trung thực.

Nhưng đồng thời phải không khô khan, văn chương ấy phải hấp dẫn bạn đọc, nhất là bạn đọc thời nay ít kiên nhẫn với mọi điều, đặc biệt là chữ nghĩa và lịch sử.

Năm 2022, Vũ Thị Hồng tình cờ tìm lại được cuốn nhật ký nữ phóng viên Bắc Hà - bí danh của bà khi đi B, ghi vội bên những hố bom, hay giữa những trận sốt rét ác tính.

Ký ức dội về sống động như mới ngày hôm qua nên nhanh chóng nhập vào hành trình ký ức không dễ dàng. 

Một năm sau, cuốn sách hơn 250 trang ra đời, để bạn đọc hôm nay được chạm vào một vùng ký ức bi tráng chưa xa của dân tộc mình.

TIN LIÊN QUAN
  • 'Mưa đỏ' của nhà văn Chu Lai lên sân khấu chèo, khán giả khóc khi xem

  • Nhà văn Chu Lai: Gần 50 năm chúng ta vẫn chưa có tác phẩm xứng tầm

Dòng ký ức đưa Vũ Thị Hồng về lại thời tuổi trẻ chẳng biết sợ điều gì, kể cả bom đạn và cái chết hay những cơn sốt rét rừng, những ngày hành quân "đến tháng" của phụ nữ với bao bất tiện và khổ sở. Và chỉ một lòng với lý tưởng mong cho hòa bình và thống nhất đất nước.

Năm 1970, khi vừa hết năm ba đại học, bà cùng Đỗ Thị Thanh (tức nhà văn Hà Phương) và Trần Thị Thắng (nhà thơ Trần Thị Thắng) nộp đơn tình nguyện làm phóng viên ở các chiến trường phía Nam.

Vũ Thị Hồng (Bắc Hà) được phân công hoạt động ở mặt trận Quảng Nam, nơi vô cùng gian khổ, ác liệt.

Bà chọn sát cánh bên bộ đội, cùng sống, cũng chiến đấu như một người lính thực thụ. Nhiều lần bà đã cùng Trung đoàn 31, Trung đoàn 38, Sư đoàn 711 (sau này là Sư đoàn 2) chiến đấu một mất một còn ở vùng "da báo".

Ngày đó, riêng mặt trận Duy Xuyên (Quảng Nam) đã có nhiều văn nghệ sĩ ngã xuống như nhà thơ Dương Thị Xuân Quý, nữ văn công Phương Thảo, nhà văn Chu Cẩm Phong.

Bà không nhớ đã bao lần vượt qua sinh tử như lần chạy băng qua cánh đồng về chốt giữa đạn pháo cối đanh trời.

Một viên đạn xuyên thủng ba lô qua mấy lần áo mới đến da thịt. Cái ba lô đã cứu nữ phóng viên một đòn chí mạng, để lại vết thương khiến bà phải khâu 12 mũi, không thuốc tê.

Khu 5 những năm tháng gần kết thúc chiến tranh, bom đạn khủng khiếp, ngày ngày chứng kiến đồng đội hy sinh, còn mình thì không đếm xuể bao nhiêu lần bị bom vùi, Vũ Thị Hồng luôn ở tâm thế chuẩn bị cho cái chết nhẹ tựa lông hồng và phải đẹp của mình.

Bà kể mình thường tắm vội vàng bên những hố bom. Thân gái ngoài mặt trận, không sợ chết mà sợ chết... không đẹp trước các đồng đội toàn nam.

Rồi ngày hòa bình cũng đến. Vũ Thị Hồng lặng lẽ tìm về một xóm nhỏ, nghèo và chỉ toàn phụ nữ, trẻ em ở Hoài Thanh, Hoài Nhơn (Bình Định). Đó là mảnh đất kiên cường mà từ lâu bà ao ước về cùng ăn cùng ở để viết.

Cuối cùng bà cũng toại nguyện. Gần ba tháng sống với bà con làng biển, sau này thành những truyện ngắn rất đặc sắc, cảm động của Vũ Thị Hồng.

Khi nhà văn làm vợ nhà văn

Trở về sau chiến tranh, Vũ Thị Hồng tiếp tục đời bộ đội, với 17 năm làm biên tập mảng sách văn học ở NXB Quân Đội Nhân Dân và gần 15 năm làm trưởng ban công tác phụ nữ quân đội, cho đến ngày nghỉ hưu với quân hàm đại tá.

Song song với công việc, bà vẫn lặng lẽ viết.

Giống như chồng bà - nhà văn Chu Lai, đề tài chiến tranh cách mạng và người lính luôn là thế mạnh của bà, là đề tài lớn nhất bà theo đuổi suốt cuộc đời.

Những giấc mơ có thật, Tiếng rừng, Có một thời yêu là những truyện ngắn đặc sắc, cảm động, được viết ra như vậy.

Rồi tiểu thuyết về người lính lần lượt ra đời sau khi bà nghỉ hưu.

Năm 1991, trong cuộc thi "Người phụ nữ trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc" (Bộ Công an tổ chức), tác phẩm Trở lại là em của bà nhận giải A.

Năm 2015, tiểu thuyết Mùa thu ở lại của bà được trao giải nhì cuộc vận động sáng tác "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an phối hợp Hội Nhà văn tổ chức.

Bà cũng được trao tặng Giải thưởng Văn học 5 năm (1990 - 1995) của Bộ Quốc phòng.

Đóng góp của Vũ Thị Hồng với văn chương không chỉ có vậy.

Bà là người đứng sau tất cả những cuốn tiểu thuyết đình đám của chồng mình. Kể từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên Nắng đồng bằng của ông năm 1977 - 1978, bà là người biên tập cần mẫn, nhiệt tâm.

Cũng chính nhờ cuốn tiểu thuyết này mà hai người lính trở về từ chiến trường lại cùng say mê với nghiệp văn chương đã kết duyên chồng vợ.

Đôi vợ chồng không chỉ trọng nhau như những người lính từng vào sinh ra tử, mà còn rất đồng cảm, hòa hợp trong nhiều suy nghĩ về văn chương hay những lựa chọn quan trọng của đời người, thái độ với danh lợi.

TIN LIÊN QUAN
  • Đất K của Bùi Quang Lâm: Người lính và thân phận thời hậu chiến

  • Dòng sông cuộn chảy trong trái tim người lính

  • 'Dưới lần áo quân phục là trái tim người lính'

Hai vợ chồng nhà văn cùng sống trong một ngôi nhà, tưởng sẽ nhiều khó khăn, nhưng khó khăn nào của cuộc sống thời bình có thể lớn hơn khó khăn, khốc liệt ngoài chiến trường mà bà đã vượt qua.

Cho nên người đàn bà ấy chỉ cười nói nhà văn làm vợ nhà văn như trường hợp của bà cũng chẳng tới nỗi thử thách như người đời tưởng.

Bởi ai còn có thể hiểu, thương, trọng những người lính từ chiến trường trở về hơn chính những người lính.

Vợ chồng bà là hai nhà văn sống chung nhà nhưng cũng là hai đồng đội chọn gắn bó, nâng đỡ nhau.

Chuyện viết văn, nhiều người nói bà chấp nhận lùi lại phía sau làm hậu phương vững chắc cho chồng toàn tâm với sự nghiệp văn chương, nhưng bà thẳng thắn, sòng phẳng rằng bà cũng chẳng lùi đi đâu cả, vẫn cứ viết khi có sức.

Chồng bà còn ra sức động viên bà viết. Chuyện bà viết ít chẳng qua vì tạng bà viết chậm và cũng bận nhiều công tác xã hội.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-30T01:58:45Z dg43tfdfdgfd