HàNH TRìNH 'HồI SINH' 11.000 TRáI TIM

"Phí phẫu thuật tim 200 triệu đồng, nếu không Anh Thư có thể không qua khỏi", nhận chẩn đoán về sức khỏe của con gái 12 tuổi, chị Kim Vàng khóc nấc.

Ngồi sụp ở hành lang bệnh viện một ngày đầu năm 2024, chị Vàng rối bời với suy nghĩ: tiền đâu để chữa cho con. Nỗi đau này thêm nặng khi hơn 10 năm trước, bé Anh Thư đã phẫu thuật một lần vì mắc bệnh tim tứ chứng Fallot. Chị Vàng không thể tin rằng một thập kỷ đã qua nhưng căn bệnh quái ác lần nữa đe dọa mạng sống con gái.

Tứ chứng Fallot là dạng bệnh tim bẩm sinh phổ biến. Y học hiện đại có thể chữa khỏi thông qua phẫu thuật. Tuy nhiên, cách đây hơn 10 năm, đây là căn bệnh nguy hiểm, đe dọa mạng sống.

Năm 2013, niềm vui đón con đầu lòng chưa kéo dài bao lâu, chị Kim Vàng suy sụp khi phải đối diện với sự thật con gái mắc bệnh hiểm nghèo. Gượng dậy bước tiếp bằng khát khao chữa lành và tình yêu dành cho con gái, mỗi ngày chị bế con ngược xuôi bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương.

Mới hơn tháng tuổi, Anh Thư gần như quen với các bác sĩ, coi bệnh viện là nhà. Chị Vàng nhớ lại, bác sĩ tại Bệnh viện Tâm Đức đồng ý phẫu thuật nhưng điều kiện bắt buộc là em bé phải đủ 10 kg. Thư lúc này chưa đạt một nửa cân nặng cần thiết, chỉ vỏn vẹn 4 kg.

Cả gia đình không bỏ cuộc, tìm cách chăm sóc để con tăng cân. Trong căn nhà nhỏ ở Trà Vinh, mọi đồ đáng giá đều bán đi để lấy tiền nuôi con, chạy chữa. Bốn vách nhà dựng bằng thiếc, nền đất, trời mưa dột, nắng thì nóng.

Ngày hai buổi, chị Vàng gửi bé cho bà ngoại rồi lao vào guồng quay công việc, mong đỡ phần tiền nong. Là giáo viên mầm non, lương không cao, dù con nhỏ tháng nhưng chị cũng không dám nghỉ vì cần tiền. "Cố ngày nào thì hay ngày đó, tôi chỉ mong con lớn nhanh, sớm được phẫu thuật", chị Vàng nhẹ giọng kể về những ngày đầu chiến đấu cùng con.

Gánh nặng vơi bớt khi Hội Bảo trợ người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam - dioxin tỉnh Trà Vinh tiếp nhận hồ sơ của Anh Thư. Hội liên kết với các quỹ từ thiện, mạnh thường quân hỗ trợ phẫu thuật khi bé đủ điều kiện. Nhiệm vụ còn lại của gia đình là chăm sóc để Anh Thư sớm đạt 10 kg. May mắn, mỗi tháng bé đều lên cân, không xảy ra sự cố về sức khỏe. "Mọi thứ như một phép màu vậy", chị Vàng nói.

Đến tháng thứ 21, Anh Thư tròn 10 kg. Cả gia đình khăn gói rời Trà Vinh lên TP HCM trong tâm trạng khấp khởi. "Sau hôm nay, con gái của mẹ sẽ sống cuộc đời bình thường, mạnh khỏe và bình an", chị Vàng cầu nguyện trước khi bé vào phòng phẫu thuật.

Ca phẫu thuật thành công, Anh Thư như được "tái sinh". Cô bé phát triển bình thường, đến trường học chữ, kết bạn, vui chơi. Điều khác biệt duy nhất là hàng tháng phải tái khám.

Cuộc đời không bình lặng trôi. Đầu năm nay, tức 10 năm sau lần phẫu thuật đầu tiên, Thư lại xuất hiện tình trạng đau nhói ở ngực, mệt mỏi. Bác sĩ chẩn đoán em phải thay van tim. Mẹ của em, một lần nữa ngồi sụp xuống hành lang bệnh viện, nhìn con gái đang thở từng nhịp khó khăn, tuyệt vọng nghĩ về chi phí hàng trăm triệu đồng: "Làm sao để cứu con đây".

Thêm lần nữa, chị cùng gia đình nộp hồ sơ khắp các hội, quỹ bảo trợ trẻ em để mong phép màu tiếp tục đến với Anh Thư. Hội Bảo trợ người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam - dioxin tỉnh Trà Vinh lại nhận hồ sơ. Lần này, họ giới thiệu gia đình đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, nơi đang liên kết với Chương trình Nhịp tim Việt Nam - tiến hành phẫu thuật miễn phí cho trẻ em.

Nhận xấp hồ sơ dày cộm, đầy đủ chẩn đoán của bác sĩ qua gần trăm lần tái khám suốt chục năm, đội ngũ y bác sĩ, và chương trình Nhịp tim Việt Nam thấu hiểu hành trình gian nan của chị Kim Vàng và con gái đã trải qua để giữ lại sự sống.

Chương trình đồng ý tiếp nhận hỗ trợ cho bé Anh Thư. Ca phẫu thuật vừa tiến hành thành công hồi tháng 6 thêm lần nữa mang em trở lại cuộc sống bình thường. Ngày ra viện, em ôm mẹ và các bác sĩ, nghẹn ngào nói lời cảm ơn.

Anh Thư là một trong khoảng 15.000 trẻ em mắc các bệnh lý bẩm sinh về tim mạch hàng năm, theo Bộ Y tế. Em cũng là bệnh nhi thứ 11.000 được Chương trình Nhịp tim Việt Nam hỗ trợ phẫu thuật. Được thành lập bởi tổ chức VinaCapital Foundation (VCF) năm 2006, đến nay chương trình luôn hướng đến sứ mệnh tài trợ chi phí phẫu thuật cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Theo nhiều thống kê cho thấy 85% trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ qua đời ở độ tuổi vị thành niên hoặc thậm chí sớm hơn nếu không được chữa trị kịp thời. Căn bệnh mang đến nỗi đau về thể xác, dày vò về tinh thần. Gánh nặng tài chính dồn lên các gia đình như chị Kim Vàng khiến ước mơ thoát nghèo xa tầm với.

Với khát khao không để trẻ em nào bị bỏ lại, 18 năm qua VCF đã hoạt động không ngừng nghỉ để gây quỹ nhằm hỗ trợ nhiều trường hợp nhất có thể.

Hạt mầm đầu tiên cho hành trình cứu sống các em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh được gieo xuống khi VinaCapital tài trợ chi phí phẫu thuật cho bé Cẩm Dung ở tỉnh Quảng Nam vào năm 2005. Ca phẫu thuật thành công mang phép màu đến cho cuộc sống của cô bé khi đó mới 8 tuổi. 18 năm đã đi qua, Cẩm Dung lớn lên khỏe mạnh. Cô đã có riêng một gia đình nhỏ hạnh phúc cùng công việc ổn định.

"Hồi sinh" là cụm từ diễn tả đúng hành trình của các bệnh nhi như Cẩm Dung. Cũng từ hành trình này đã truyền cảm hứng và quyết tâm cho ông Don Lam - Tổng giám đốc và Cổ đông sáng lập VinaCapital, Chủ tịch Hội đồng Quản lý VCF và các thành viên khác bắt tay vào hoạt động thiện nguyện giúp cứu sống thêm nhiều trẻ em có hoàn cảnh tương tự. "Từ trái tim đầu tiên được hồi sinh, chúng tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày đạt con số 11.000 trái tim", ông Don Lam chia sẻ.

11.000 trái tim khỏe mạnh qua gần hai thập kỷ là hành trình bền bỉ với mong muốn không để em bé nào mắc bệnh tim bẩm sinh phải mất đi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nói về hành trình này, ông Rad Kivette, Tổng giám đốc VCF lại nhớ những lần băng rừng, lội suối để đến vùng sâu, vùng xa để thực hiện việc khám tim sàng lọc. Ở những vùng này, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thường cao gấp 3-5 lần mức trung bình toàn quốc. "Càng đi sâu vào vùng sâu vùng xa của Việt Nam, chúng tôi càng tìm thấy nhiều trường hợp mắc bệnh tim mạch không được chẩn đoán. Hầu hết các gia đình thậm chí không biết rằng con họ bị dị tật tim cho đến khi chúng tôi kiểm tra", ông Rad kể.

Ở những chuyến đi như vậy, VCF luôn có sự đồng hành của các đối tác, bệnh viện, mạnh thường quân.

Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM là một trong những đơn vị đầu tiên đồng hành cùng Nhịp tim Việt Nam, từ năm 2007. Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Định - Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, VFC không chỉ tài trợ chi phí mổ tim mà còn hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ có nguồn lực để tổ chức các chuyến đi tầm soát ở những địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Nhiều trẻ em mắc bệnh, không có điều kiện thăm khám đã được phát hiện, hỗ trợ sớm.

Cùng với tiến bộ y học, quá trình chẩn đoán, điều trị ngày càng thuận lợi hơn. Lấy ví dụ về trường hợp của Anh Thư, bác sĩ Định cho biết thay vì phải đợi đến lúc được 10 kg, y học hiện nay có thể giúp các em phẫu thuật lúc mới 4 kg, thậm chí sinh thiếu ký. Quá trình tầm soát phát hiện bệnh ngay từ lúc còn trong thai. Ông Định cho rằng sự xuất hiện của những quỹ hỗ trợ như VCF mang đến cơ hội sống lớn hơn cho bệnh nhi.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP HCM cho biết cứu sống và mang cuộc đời mới cho trẻ luôn là khát khao của đội ngũ y bác sĩ. Dù bệnh viện có quỹ riêng để hỗ trợ những trường hợp khó khăn nhưng nguồn lực không đủ để đáp ứng nếu không có các chương trình như Nhịp tim Việt Nam.

"Mỗi năm, chương trình Nhịp tim Việt Nam hỗ trợ lên đến 4 tỷ đồng cho khoảng 150-200 ca phẫu thuật. Đây là nguồn lực hỗ trợ rất lớn. Mỗi lần có ca được hỗ trợ, các bác sĩ như chúng tôi vỡ òa sung sướng", bác sĩ Tiến nói.

Không chỉ các bệnh viện, hành trình của VFC còn có sự đồng hành của nhiều mạnh thường quân. Trong đó, Ngô Thanh Vân – đại sứ Nhip tim Việt Nam - là người đã đồng hành cùng chương trình trong suốt 15 năm. Diễn viên đã chứng kiến rất nhiều nước mắt, cả sự nỗ lực và tinh thần kiên cường của các em nhỏ lẫn phụ huynh trong cuộc chiến giành giật sự sống.

Không chỉ tài trợ chi phí phẫu thuật, 18 năm qua Nhịp tim Việt Nam còn cung cấp 1.215 gói chăm sóc hậu phẫu để hỗ trợ chi phí tái khám, 809 gói trợ cấp gia đình để giảm bớt gánh nặng tài chính và 209 suất học bổng để tiếp sức đến trường cho những em nhỏ có thành tích xuất sắc. VCF cũng thực hiện các hoạt động khám sàng lọc miễn phí cho trẻ em ở vùng nông thôn. Gần 400.000 trẻ em trên khắp cả nước đã được khám tim, phát hiện hơn 11.700 trường hợp. Những trường hợp có chỉ định phẫu thuật đều đã được hỗ trợ để đảm bảo rằng không có em nhỏ nào bị bỏ lại phía sau.

Riêng trong 6 tháng đầu năm, Nhịp tim Việt Nam đã hỗ trợ phẫu thuật hoặc can thiệp một số loại hình cho gần 400 trẻ em mắc dị tật tim bẩm sinh. Chương trình sàng lọc cho hơn 23.000 trẻ em và tổ chức 88 trạm y tế nông thôn để phát hiện bệnh. Hơn 60% gia đình nhận hỗ trợ đã có thể phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Qua gần hai thập kỷ, Nhịp tim Việt Nam đang mang sinh khí, tô thêm màu sắc cho những mảnh đời bất hạnh. Dù là vùng sâu, vùng xa, biên giới hay hải đảo, dấu chân của VFC, Nhịp tim Việt Nam vẫn hằng in sâu sắc trong trái tim của những gia đình thụ hưởng ở khắp mọi ngóc ngách của dải đất hình chữ S.

"Chúng tôi biết hành trình phía trước còn rất khó vì cần thêm nhiều nguồn lực. Nhưng ngày nào chúng tôi còn ở đây thì sẽ còn làm vì trẻ em Việt", đại diện chương trình khẳng định.

Còn với gia đình Anh Thư, kỳ nghỉ hè của em trọn vẹn hơn khi tiếng cười đã vang vọng khắp gian nhà nhỏ. Bộ áo mới cùng với phần học bổng được Nhịp tim Việt Nam trao tặng giúp em chuẩn bị cho một năm học mới với nhiều dự định lớn hơn. Ước mơ của cô bé là trở thành bác sĩ để nối tiếp hành trình của VinaCapital Foundation, mang hạnh phúc đến với mọi người.

Nội dung: Hoài Phương - Thiết kế: Hằng Trịnh

Đọc bài gốc tại đây.

2024-07-27T03:56:03Z dg43tfdfdgfd