ĐừNG QUá áM ảNH CHUYệN LàM MớI CảI LươNG

Gần đây, nhiều người trong giới tỏ vẻ bức xúc vì một clip trích ra từ tập 8 chương trình Học viện cải lương có ca từ bị cho là thô thiển khi đưa thẳng vào những chữ như 'bao cao su', 'tuầy huầy', 'uống thuốc ngừa thai'...

Đoạn clip nói về cặp nam nữ xung đột chuyện có thai ngoài ý muốn.

Trực diện hay chiêu PR?

Nhiều khán giả và cả người làm nghề cho rằng "không thể hiểu nổi sao có thể lên sóng"... Còn nhà sản xuất lý giải họ "chọn cách thể hiện trực diện, không né tránh".

Khi trao đổi, có người trong giới tỏ ra nghi ngờ cho đây là chiêu PR bởi "nghệ sĩ Bạch Tuyết không thể để "lọt" hạt sạn như vậy".

Ngược lại, một số ý kiến nói rằng dùng những từ đó đưa vào cải lương có sao đâu. Kịch, phim dùng được, sao cải lương không được?

NSND Trần Ngọc Giàu, chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, bày tỏ: "Kịch, phim cũng không ai nói sống sượng như vậy.

Cải lương là ca kịch nên tu từ phải đẹp. Có những thứ người ta không tránh nhưng cách nói như thế nào, trong hoàn cảnh nào mới phù hợp.

Khi nói phù hợp có thể không sao, nhưng khi đặt vào lời ca rất khó nghe".

TS Hoàng Duẩn, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM, nhận định cái hay của từ ngữ trong bài ca cải lương là bao giờ cũng được chắt lọc, mang hàm ý và đẹp.

Những từ thô thiển đó khiến người nghe chói tai và làm mất đi cái đẹp của cải lương.

NSND Triệu Trung Kiên, giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam, kể rằng chuyện đưa những từ thô thiển, thậm chí chửi thề, vào vở diễn vẫn có.

Nhưng bằng tài năng, xử lý hợp lý thì khán giả chấp nhận, còn khen hay. Nhưng không nên lạm dụng.

Xem qua clip và cả tiết mục gây xôn xao, đạo diễn Triệu Trung Kiên cảm thấy những từ ngữ đó không hiệu quả gì, cũng không đẹp đẽ nên gây khó chịu cho người nghe. Ông mong đây chỉ là sơ suất của người làm chương trình.

Đổi mới cải lương cỡ nào cũng phải giữ được chất

Không chỉ clip "gây bão" mà Học viện cải lương cũng vấp phải một số lời chê chương trình chưa hay, ban đầu nói làm mới nhiều thứ nhưng xem thì không thấy mới, hoặc cái mới không thuyết phục.

Chuyện "làm mới cải lương" cũng nhiều lần được đặt ra tại các hội thảo và ngay cả trong từng vở diễn với mong muốn cải lương có thể đồng hành cùng thời đại hôm nay.

Việc "làm mới" cũng xảy ra những tình huống dở khóc dở cười khi người ta tùy tiện đem đủ thứ vào cải lương khiến loại hình này bị biến dạng.

Hoặc có những vở cải lương bị xem là kệch cỡm, là "kịch nói đâm bài ca"...

Ông Trần Ngọc Giàu là người có kinh nghiệm dàn dựng nhiều vở cải lương hay, nói: "Với tôi, tôi chỉ cố gắng làm cho hay chứ không có khái niệm làm mới.

Mỗi thời điểm, sân khấu cải lương sẽ phù hợp nhu cầu khán giả giai đoạn đó. Trên cơ sở đó, mình tìm tòi sáng tạo từ biểu diễn, âm nhạc, trang trí, cấu trúc... để đáp ứng nhu cầu khán giả hôm nay.

Cải lương là hình thức ca kịch thì phải tìm nét mới phù hợp ca kịch đưa vào. Đổi mới nhưng quan trọng nhất vẫn phải giữ được chất cải lương chứ không thể biến nó thành thứ khác được".

Soạn giả Hoàng Song Việt cho rằng đừng quá ám ảnh chữ "làm mới cải lương" rồi phá tan tành và cho rằng mình đang... làm mới!

Người làm nghề cứ tự ý thức, cố gắng chăm chút trong từng khâu. Ngày xưa nhiều khán giả thích nghe cải lương nên các vở chú trọng nhiều phần ca.

Giờ làm vở, phải đào sâu tâm lý nhân vật hơn, đẩy tiết tấu vở diễn để phù hợp hơi thở thời đại.

Một vai diễn cũ nhưng tìm tòi thể hiện cách mới, chăm chút, sáng tạo từng cái nhỏ để làm nên tổng thể vở cải lương mới, hay... là cách mà ông Việt chọn.

Đạo diễn Triệu Trung Kiên nhấn mạnh sân khấu cải lương tương lai sẽ thuộc về người trẻ, lúc đó họ sẽ diễn cải lương theo cách họ thích, khán giả thích và nghĩ rằng đúng.

Cái nào tồn tại là do quy luật cuộc sống, chứ con người không chủ quan điều chỉnh được.

Theo ông, khi nắm được quy luật thì cố gắng tìm tòi, nghiên cứu, thể nghiệm để tìm ra xu hướng.

Ông cho rằng chuyện cải lương phải tiếp cận giới trẻ là đúng. Việc của những người có trách nhiệm hiện nay là tìm ra những tài năng trẻ để bàn giao vốn nghề cho các em.

Họ phải có tài năng nghệ thuật, đam mê, có ý thức, trân trọng văn hóa dân tộc, được học hành tử tế để biết cách sáng tạo, làm mới cải lương một cách căn cơ.

"Nếu may mắn tìm được hạt giống đỏ hội tụ đầy đủ yếu tố đó thì các em có thể trở thành ngọn cờ có sức ảnh hưởng, lôi kéo cả một thế hệ", ông Kiên nói.

Đạo diễn Hoàng Duẩn nhìn nhận cải lương luôn mới, có khả năng dung nạp cao.

Trong quá khứ, người ta chứng kiến "vua vọng cổ" Viễn Châu từng sáng tạo ra tân cổ giao duyên, vọng cổ hài và mới đầu cũng bị phản ứng.

Nhưng theo thời gian, những sáng tạo của ông được chấp nhận, sống mãi. Viễn Châu là người giỏi nghề, sáng tạo của ông đều có cơ sở, lý do chứ không tùy tiện.

Hành trình sáng tạo của Viễn Châu là bài học quý để những người trẻ hôm nay nghiên cứu, học hỏi, phát huy nội lực của cải lương.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-06-11T02:59:58Z dg43tfdfdgfd