KIM HUYềN: 'TôI CHẳNG MạNH Mẽ đếN MứC KHôNG CầN đàN ôNG'

Lớn lên dưới mái nhà thiếu vắng tình cha và sau này đi qua những tổn thương trong tình cảm, nghệ sĩ Kim Huyền đã quen làm người đàn ông của chính mình.

Kim Huyền là gương mặt quen thuộc của sân khấu kịch miền Nam, tham gia nghệ thuật từ giữa thập niên 1990 và từng giành nhiều giải thưởng. Gần nhất, chị được công chúng đón nhận với vai chính trong vở kịch Trả lại lia thia và vai phụ trong hai phim điện ảnh Hạnh phúc máu, Sáng đèn.

Nghẹn ngào rơi nước mắt khi nhớ về tuổi thơ thiếu vắng bóng hình cha, Kim Huyền nói trải nghiệm cá nhân khiến cô không muốn làm mẹ đơn thân. Cô cũng từng yêu, từng ấp ôm những giấc mơ về một bờ vai để tựa vào. Nhưng sau những tổn thương trong tình cảm, cô lựa chọn cuộc sống một mình, tự làm người đàn ông của chính mình.

- Chị hay kể về những chuyến đi, những sinh hoạt thường ngày một mình. Tại sao chị không chọn 'hai mình' hay 'nhiều mình'?

- "Hai mình" theo kiểu tình yêu thì tôi không có. Còn về bạn bè, nhiều lúc tôi cũng "hai mình" hoặc "nhiều mình", nhưng phải chọn những người bạn thật sự tâm đầu ý hợp để chuyện trò hoặc cùng nhau đi du lịch.

Đầu năm nay, tôi và Đại Nghĩa trùng hợp cùng có thời gian rảnh, nhắn tin rủ nhau đi cafe. Nghĩa nói muốn đi đâu đó mấy ngày. Hai đứa bàn bạc một hồi, quyết định đi Hà Nội và Hạ Long. 10h đặt vé, 12h chúng tôi ra sân bay luôn. Đôi khi, chuyến đi bất chợt kiểu vậy rất thú vị.

Nhưng đâu phải ai cũng cùng sở thích với tôi. Các bạn trẻ thích đến các khu vui chơi đông người hoặc đi mua sắm, tôi lại có xu hướng tìm về các miền quê yên ả. Thời gian mỗi người đều hạn hẹp. Chiều theo ý bạn bè là tôi tự đánh mất thời gian của mình. Và tôi cũng không muốn phiền lụy ai phải chiều theo ý mình.

Đi một mình, tôi chủ động được địa điểm, thời gian, lịch trình. Người khác nhìn vào có thể thấy buồn, còn tôi thoải mái nhất khi được một mình. Tôi có thể ở nhà cả tháng không ra đường. Nhiều lúc, giữa đám đông tôi vẫn cô đơn. Là diễn viên nhưng tôi rất ngại các sự kiện, cảm thấy mình không thuộc về nơi đó.

- Người ta hay nói phụ nữ mạnh mẽ quá sẽ khó tìm được người đàn ông ở cạnh. Cũng có người cho rằng vì khó tìm được người đàn ông bên cạnh, phụ nữ mới phải tự làm người đàn ông của chính mình. Chị thì sao?

- Có lẽ tôi thuộc trường hợp thứ hai. Xưa nay, tôi không chủ động đi tìm tình yêu, nhưng tôi cũng không phải người mạnh mẽ, lạnh lùng đến độ tuyên bố cuộc đời tôi không cần đàn ông. Chỉ là, tôi đã quen với việc không có đàn ông ở cạnh. Hơn nữa, chắc gì có đàn ông ở bên, phụ nữ sẽ cảm thấy được che chở.

Từ nhỏ, nhà tôi đã không có bóng dáng người đàn ông nào. Ba tôi mất từ lúc tôi bé xíu, tôi chỉ biết về ba qua những lời kể của mẹ. Tôi có một chị gái. Trong căn nhà của chúng tôi, ba người phụ nữ đã quen tự làm mọi việc. Đến giờ, tôi cũng tự thay quạt, sửa điện.

Sau dịch, tôi phải chuyển nhà ở TP HCM vì nhà thuê tăng giá. Một mình tôi dọn sạch nhà mới rồi gom từng lượt đồ từ nhà cũ sang, mỗi ngày chuyển một ít bằng xe ôm hoặc taxi. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi: "Mình có tệ lắm đâu mà những lúc như vậy cứ phải một mình, không ai san sẻ?" (cười). Nhưng mọi chuyện rồi cũng đâu vào đó, tôi không để suy nghĩ này trong đầu mình quá lâu.

Thời thanh xuân, tôi cũng từng rung động, từng yêu, từng có giấc mơ về một bờ vai để dựa vào. Nhưng có lẽ những tổn thương làm tôi sợ phải tổn thương thêm lần nữa.

- Nhưng lẻ bóng lâu vậy rồi, có khi nào chị áy náy với mẹ?

- Người bố người mẹ nào cũng mong con cái ổn định, có cặp có đôi, có gia đình nhỏ. Một khoảng thời gian, mẹ liên tục hối thúc tôi kết hôn. Câu nói đó hiện hữu trong mọi cuộc trò chuyện. Tôi sợ về nhà, sợ gọi điện thoại, sợ phải nghe đến câu nói ấy. Nhưng chắc thời gian một mình của tôi dài quá rồi, người thân dần cảm thấy bình thường. Nhìn tôi một mình vẫn ổn, mẹ tôn trọng lựa chọn của tôi.

Tôi không ngại một mình nhưng đúng là tôi sợ làm người thân buồn. Sợ hơn nữa là cái nhìn của hàng xóm ở quê. Tôi day dứt vì để người nhà phải nghe câu hỏi: "Con gái từng đấy tuổi sao chưa lấy chồng?".

- Nhiều phụ nữ ngày nay chọn không lấy chồng nhưng muốn làm mẹ đơn thân. Chị nghĩ sao về điều này?

- Tôi thật sự nể phục những người mẹ đơn thân. Họ có thể vừa làm mẹ vừa làm cha và lo cho con đầy đủ. Trong trường hợp hôn nhân, cuộc sống có bất trắc, người phụ nữ buộc phải để con thiếu tình cảm của cha. Nhưng trong trường hợp được chủ động lựa chọn, tôi sẽ không làm như vậy.

Tôi không sinh con không có nghĩa tôi không thích trẻ con. Ai mà không thích trẻ con cho được! Nhưng tôi không muốn ngay từ đầu, tôi chủ ý tạo ra một cuộc đời thiếu thốn tình cha. Có thể tôi lo được cho con về vật chất, nhưng tôi chưa chắc lường trước được khi lớn lên, đứa trẻ muốn gì, thiếu thốn gì, mong cầu gì và cảm thấy mình khác biệt thế nào.

Điều này đến từ trải nghiệm của chính tôi. Tôi có cả ba và mẹ, nhưng ba tôi mất sớm là sự thiếu thốn cả đời của tôi. Suốt đời, tôi không bao giờ biết cảm giác được ba xoa đầu, ba đưa đi công viên, ba đón đi học về. Mẹ tôi là người phụ nữ mạnh mẽ. Mẹ chăm lo cho hai chị em tôi đủ đầy về cuộc sống, nhưng tinh thần của chúng tôi vẫn có những khoảng trống. Tình thương, cách chở che của người cha khác người mẹ.

Tôi từng nổi cáu với một đồng nghiệp khi nói về chuyện này. Không chỉ hỏi tôi "Sao không lấy chồng?", người này còn nói: "Không lấy chồng thì đẻ đại đứa con. Đẻ con để sau này mình chết có người chôn". Vậy là đánh đổi sao? Mình sinh con, nuôi con để sau này đổi lại con nuôi mình sao? Đấy đâu phải ý nghĩa của việc sinh con và làm mẹ. Tại sao sinh ra một con người mà có thể dùng từ "đẻ đại"?

Tôi không muốn ngay từ đầu đã để con mình chào đời trong sự thiếu thốn. Nói ra có thể làm phật ý nhiều người nhưng với tôi, đó là sự ích kỷ. Tôi không thể vì ước mong làm mẹ của mình mà tước đoạt quyền khao khát có cha của con.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-08T17:12:58Z dg43tfdfdgfd